Bài 19 :

 

Ông Da-kêu, chọn hành nghề thu thuế theo tinh thần Tin Mừng

 

 

 

Ðể tiếp tục nói về việc người giàu có thể vào được Nước Trời, với ơn trợ giúp của Thiên Chúa, ta sẽ tạm để qua một bên các dụ ngôn nhằm cảnh tỉnh những sai lạc trong việc sử dụng của cải, và dành hai bài tiếp theo đây để tìm hiểu về vài nhân vật khác của Tân Ước, họ vừa giàu lại cũng vừa biết cách vào Nước Trời, đó là Ông Da-Kêu và người phụ nữ đã dám dùng cả một bình dầu thơm đắt tiền để xức cho Ðức Giê-su. Ðó là hai sự kiện đã được các sách Tin Mừng ghi lại cho chúng ta.

 

1. Con chiên lạc được tìm thấy

Về câu chuyện ông Da-kêu, chỉ có một mình thánh Lu-ca ghi lại sự kiện này (Lc 19, 1-10) và ngài đã trình thuật nó một cách rất thú vị.

Ông Da-kêu, một người thấp bé, một tay trùm thu thuế nổi tiếng là giàu có. Mặc dù không nói đến lý do tại sao ông ta giàu, nhưng việc xác định ông là trùm thu thuế đã cho ta biết rằng sự giàu có của ông ta đến từ nghề thu thuế của ông, một công việc không mấy "trong sạch", đặc biệt là dưới cái nhìn của người Do thái. Ðiều thú vị cho chủ đề của chúng ta là cuộc đối thoại giữa Ðức Giê-su với ông.

Sau khi Ðức Giê-su đã vào nhà ông, kèm với rất nhiều lời bàn tán xì xào của đám đông, và trước mặt họ, ông đã mạnh dạn đứng lên tuyên bố với vị Thầy mà ông ngưỡng mộ rằng : "Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo ; và nếu tôi đã cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." Nhưng ta cần lưu ý là ông đã làm như thế không hề vì sợ sệt bất cứ ai, mà là một hành động tự nguyện. Ðó cũng là một sự đáp lời cho chính thái độ thân thiện của Ðức Giê-su khi Ngài tuyên bố sẽ đến nhà ông ngày hôm đó, điều mà ông không bao giờ ngờ tới, cũng chẵng dám nghĩ tới. Chính tiếp sau lời tuyên bố tự nguyện đó, ông và gia đình ông đã được một cơ may vô cùng quí giá là được nghe lời phán quyết từ chính miệng Ðức Giê-su : "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này", điều mà chỉ do lòng nhân từ của Thiên Chúa đã thương ban cho ông và, ta có thể khẳng định thêm rằng, thực ra, nó đã được ban cho ông cả ngay trước đó rồi.

 

2. Thái độ đón nhận và mở ra. Không nhất thiết phải đánh đổi tất cả

Nếu ta để ý và nhớ lại những điều đã được bàn đến trong những bài trước về việc phải đánh đổi tất cả để được Nước Trời hay để được vào Nước Trời (như nơi dụ ngôn người truy tìm ngọc quý; câu chuyện người thanh niên giàu có, v.v.) thì hành động của ông Da-kêu chỉ đạt đến một phần nào của đòi hỏi đó. Quả vậy, vì cho dù ông không tự nguyện đánh đổi tất cả những gì ông có hầu đón nhận được Nước Trời, nhưng theo lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa, ta thấy rằng ơn cứu độ cho ông và gia đình ông đã được hứa ban. Phần ông, ông chỉ tuyên bố sẵn lòng chia sẻ phân nửa tài sản của mình cho người nghèo và đền bù gấp bốn cho những ai ông đã cưỡng đoạt.

Qua đó ta có một chỉ dẫn rõ nét rằng chính Thiên Chúa đã đi bước trước để đến với ông và Người đã tuyên bố cho ông được cứu độ ; phần ông, ông chỉ tỏ chút lòng thành đáp lại tấm lòng thương xót của Người.

Ông không có ý đi tìm, nhưng cuối cùng ra, chính Thiên Chúa Làm Người đã đến tìm ông như một mục tử đi tìm một con chiên lạc của Ngài, bởi vì cũng chính Ðức Giê-su đã nói liền ngay sau đó : "Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất."

 

3. Thực thi bác ái và công bằng

Vậy, liệu ông Da-kêu có đóng góp gì để đáng được ơn cao trọng này chăng ? Thưa có, và điều đó cũng thật đáng kể. Bởi vì, chỉ với một lần viếng thăm của Thầy Giê-su, người mà ông đã từng nghe tiếng và rất ngưỡng mộ, ông đã có một quyết định đến bất ngờ như ta vừa nói trên kia. Một đề nghị tự nguyện như thế không phải là điều hiển nhiên mà ai trong chúng ta cũng có thể làm được. Bởi vì, như ta đã tìm hiểu, những người giàu thường thích tìm cách tích luỹ thêm, trong khi ông đã vui lòng mở hầu bao của mình một cách rộng rải. Ðiều này quan trọng vì nó nhằm thực hiện hai điều rất cơ bản và thiết yếu mà Thánh Kinh đã khẳng định nhiều lần : chia sẻ cho người nghèo và thực thi công bằng xã hội.

Ðiều thứ nhất, chia sẻ cho người nghèo vốn luôn là điều ăn khớp với tinh thần tương trợ trong Thánh Kinh liên quan đến việc sử dụng của cải vật chất, điều mà ngay từ những ngày đầu vào sống định cư nơi Ðất Hứa, Dân Chúa đã được nhắc nhở phải thi hành (x. Ðnl 15,7-8), hầu cho ở giữa họ không có người nghèo (x. Ðnl 15,4), điều này xuất hiện bàng bạc trong Sách Thánh, đặc biệt nơi sách Tô-bi-a mà ta đã có dịp bàn kỹ (xin xem bài 10) và Tân Ước coi đó là một điểm nhấn quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng tín hữu mà ta sẽ bàn đến sau này khi nói về giáo huấn của sách Công Vụ Tông Ðồ.

Ðiều thứ hai, đền bù cho người bị thiệt hại, một điều luật về công bằng được các bộ luật do thái quan tâm rất nhiều (x. Xh 21 - 22 và song song trong Ðnl), đặc biệt hơn nữa là việc thi hành này góp phần vào công cuộc tái lập lại nền công bằng trong xã hội Dân Chúa. Theo luật, người ta chỉ buộc phải đền bù gấp đôi những gì mình đã làm hại cho người khác, nhưng ông Da-kêu đã chẳng ngần ngại tuyên bố đền gấp bốn. Ở trên đời, nếu có ai đó đã làm điều gì sai trái, cụ thể là về đức công bằng, mà đã biết nhận ra đó là điều không phải, rồi quyết tâm chừa lỗi thì đã là tốt rồi (tuy nhiên, việc đền bồi cũng cần phải được tinh đến), đàng này ta còn thấy ông Da-kêu đã chọn thực hành một hành vi nhằm tái lập sự công bằng mà ông đã vi phạm.

Chính hai điều trên đã làm cho thái độ và hành động của ông Da-kêu mang một sắc thái rất Tin Mừng, và thánh Lu-ca đã không quên tường thuật lại cho chúng ta.

 

4. Gặp Ðức Giê-su, phục hồi nhân phẩm

Một điều khác cần lưu ý, là nhờ việc đến thăm của Ðức Giê-su mà ông Da-kêu đã vượt qua được rào cản của quan niệm đạo đức Do thái : coi những người cộng tác với Ðế quốc Rô-ma là những kẻ đáng bị loại ra khỏi cộng đồng. Ý thức này của ông được chứng tỏ qua lời tuyên bố mà ta vừa nghe ông nói trên kia. Vâng, chính Ðức Giê-su đã vực ông dậy và đưa ông thoát ra khỏi những rào cản đó và trả lại cho ông tư cách làm công dân của Nước Trời, một Vương quốc vượt trội lên trên và cao hơn hẵn cái xã hội Do thái thời đó, một xã hội xây trên nhiều rào cản mang tính xã hội và tôn giáo của nó. Chính điều này làm cho nhân phẩm của ông được phục hồi không chỉ về mặt xã hội mà cả về mặt thiêng liêng nữa, vì ông và gia đình ông đã nhận được ơn cứu độ vào ngay ngày hôm đó.

Ðó là một Tin Mừng cho tất cả những ai đã và đang ở trong cùng một tình trạng như ông Da-kêu.

 

5. Không đổi nghề, chỉ đổi cung cách hành nghề

Một điểm khác nữa, đó là với câu tuyên bố như trên, ông đã khẳng định cho chúng ta hai điều : một là, ông quyết tâm thực hiện nhiều hơn cả đòi hỏi của luật lệ do thái qua việc hứa trả gấp bốn cho những ai mà ông đã làm thiệt hại (như ta đã nói rồi) ; hai là, ta không hề nghe nói rằng ông tự tuyên bố sẽ bỏ nghề nhưng, một cách gián tiếp, dường như ông muốn tuyên bố sẽ tiếp tục thi hành nghề nghiệp thu thuế của mình, có điều là theo một cung cách khác, nghĩa là, ít ra, sẽ không còn tình trạng rằng ông sẽ cậy vào quyền làm trùm thu thuế của mình mà gây thiệt hại cách này hay cách khác cho bất cứ ai, bởi vì theo như lời hứa của ông thì ông sẽ phải đền gấp bốn cho họ nếu ông lại vi phạm. Tức là, không hề có lợi ích gì cho ông, xét về mặt vật chất, khi làm điều sai trái và bất công cho bất cứ ai giống như vậy nữa. Nói một cách khác, việc chấp nhận đi theo đường lối giáo huấn của Ðức Giê-su không hề khiến ông cần thiết phải bỏ nghề nghiệp của mình, chỉ có điều là kể từ nay ông sẽ hành nghề theo một cung cách hợp đạo đức, với một bận tâm kèm theo là đem chia sẻ những gì ông sẽ thu nhập được cho những ai cần đến, nhất là những người nghèo ; và không còn ức hiếp ai nữa.

Thiết tưởng, đó chính là một cách thế thi hành nghề nghiệp theo tin thần Tin Mừng, điều mà mỗi người có thể học lấy cho mình như một bài học quí giá.

 

Kết

Thực thi bác ái và công bằng, điều được nhắc lại thường xuyên trong Thánh Kinh, là một điểm tới của việc sử dụng cách đúng đắn của cải vật chất. Nó phù hợp với tinh thần Tin Mừng và hơn nữa còn là một hệ quả của việc gặp gỡ Ðức Giê-su Ki-tô.

Là ki-tô hữu, chúng ta có thực sự biết áp dụng những đòi hỏi này của Tin Mừng hay chưa, hoặc nói cách khác, chúng ta có thực sự gặp gỡ Ðức Giê-su Ki-tô trong cuộc sống của mình chưa? Nếu chưa, ông Da-kêu, theo trình thuật của thánh Lu-ca, sẽ là một mời gọi chúng ta hãy xét lại chính mình, hầu cho việc sử dụng của cải vật chất của riêng mình, cũng như việc thi hành nghề nghiệp của mình, sẽ mang một chiều kích "mới", chiều kích Tin Mừng.

 

 

22/12/2002

An Thụ


Về Trang Mục Lục
Về Trang Nhà